Trang chủ

Sơ đồ trang

Liên hệ
 
English Việt nam
   
 
 
 
 
 
 Đến Châu Âu Nhớ Đà Lạt

Đến châu Âu nhớ Đà Lạt

(TN Xuân Nhâm Thìn) Đến vùng này bỗng dưng nhớ về một miền đất khác là điều có thể xảy ra với bất kỳ ai. Đó là nét đồng dạng của hai miền xa lắc xa lơ làm ta bỗng dưng thấy gần gũi, thân quen.

1 Tôi không nhớ lần đầu mình đặt chân lên Đà Lạt vào năm nào, chỉ biết lâu lắm rồi. Đà Lạt hồi đó và cả những lần đến sau này tạo cho tôi ấn tượng mạnh không chỉ vì món rau carol trộn dầu giấm ngon tuyệt, tách cà phê thơm nồng mỗi buổi sớm mai bên bờ hồ Xuân Hương, mà trên hết là không gian trữ tình, lãng mạn của phố núi mát lạnh quanh năm. Hình như thành phố này được xây dựng “nhầm địa chỉ”, lẽ ra nó phải “mọc” lên đâu đó ở châu Âu mới đúng.

Hồi đến Lisse, vùng nông thôn chuyên trồng hoa nằm gần Amsterdam của Hà Lan, tôi nhớ Đà Lạt liền tức khắc. Nhớ, vì Đà Lạt cũng là vùng trồng hoa nổi tiếng của Việt Nam. Chỉ có điều khác nhau cơ bản: vùng Lisse mỗi năm xuất khẩu khoảng 9 tỉ đóa tulip đi khắp thế giới, nếu chỉ tính giá “bèo” 1 USD/bông, họ đã thu về được 9 tỉ USD (gấp đôi tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2011), điều mà Đà Lạt không biết đến bao giờ mới đạt được.



Đà Lạt - Ảnh: Đoàn Xuân Hải



Ruộng hoa tulip ở vùng Lisse (Hà Lan) - Ảnh: Đoàn Xuân Hải

Vùng Lisse còn có công viên Keukenhof nổi tiếng thế giới. Cứ độ xuân về (tháng 4 và 5), lễ hội hoa được tổ chức tại đây. Du khách sẽ choáng ngợp trước hàng triệu bông hoa đủ loại, đủ màu khoe sắc, được nhà vườn Hà Lan trình diễn đủ mọi kiểu dáng, đẹp như tranh. Tôi cũng đã có dịp vài lần đến tham quan lễ hội hoa được tổ chức 2 năm 1 lần ở Đà Lạt, chỉ cần dạo một buổi là xong. Trong khi đó, muốn thưởng lãm vườn hoa Keukenhof theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa… tulip”, ít nhất phải mất 3 ngày. Lễ hội hoa Đà Lạt, xét về mọi góc độ, không thể so sánh với Lễ hội hoa Keukenhof. Thế nhưng nếu biết cách làm và làm một cách có đầu tư kỹ lưỡng, Đà Lạt đủ điều kiện để hình thành một vườn hoa xứng tầm. Keukenhof ở Hà Lan được người ta gọi là “Vườn hoa của châu Âu”, trong khi Đà Lạt chưa bao giờ được ví như “Vườn hoa của Đông Nam Á”. Tiếc cho Đà Lạt là vì vậy.

2. Một người Việt Nam 100% như tôi mà nhận xét Đà Lạt giống châu Âu chắc nhiều người không tin. Thôi thì hãy để cho một người châu Âu “chính hiệu” nhận xét vậy. Đó là ngài Torquihl Ian Campbell - Công tước xứ Argyll (Scotland) thuộc Vương quốc Anh. Tôi hân hạnh được tiếp xúc với Công tước Campbell tại Đà Lạt vào trung tuần tháng 3.2011, trong một buổi Tiệc Hoàng gia được tổ chức ở sân Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt (là một trong 1.000 công trình kiến trúc độc đáo của thế giới thế kỷ 20). Công tước tâm sự: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Đà Lạt. Tôi thật sự ngạc nhiên vì không ngờ ở xứ nhiệt đới như Việt Nam mà lại có một thành phố đẹp không khác gì một thành phố châu Âu”.

Tôi ngầm hiểu lời nhận xét của Công tước Campbell ở điểm này: Đà Lạt giống một thành phố châu Âu không chỉ về mặt không gian địa lý mà còn phụ thuộc vào yếu tố nhà cửa. Ở châu Âu người ta trân trọng bảo tồn các công trình kiến trúc có từ thời xa xưa, càng xưa càng có giá trị, càng phải giữ gìn cẩn thận, các công trình thời đế chế La Mã nằm rải rác khắp Tây Âu là một ví dụ. Thậm chí các công trình kiến trúc xưa bị tàn phá bởi chiến tranh, thiên tai hay hỏa hoạn, sau đó người ta phục chế lại và làm đúng như bản gốc của kiến trúc sư. Những công trình nào quá xưa không thể phục chế được (hoặc cố tình muốn giữ nguyên hiện trạng lịch sử để lại) thì họ chú tâm bảo quản không để nó bị hư hại thêm.

Châu Âu còn là lục địa giàu có, vậy mà họ vẫn thích thú sống trong một không gian đô thị thời Trung cổ, Phục hưng hoặc Cận đại, dị ứng với lối kiến trúc hiện đại nhà kính chọc trời. Đà Lạt cũng có một thời như thế, mang dáng dấp một thị trấn ở miền nam nước Pháp hoặc Vương quốc Bỉ, na ná vùng đồi nước Ý hay ngoại ô Luxembourg hiện nay với nhà biệt thự tường vàng ngói đỏ, vườn hoa và rừng thông bao phủ. Chỉ tiếc là Đà Lạt bây giờ bỏ hoang nhiều biệt thự, đã vậy còn xuất hiện ngày càng nhiều các loại nhà ống, nhà kính đủ thứ kiểu, nhấp nhô mới nhìn lần đầu đã thấy chán, các khu phố thương mại cũng hoạt động ì xèo không khác gì ở Hà Nội hay Sài Gòn. Đó là chưa kể nhiều cánh rừng thông đã bị xóa sổ để nhường chỗ cho các khu dân cư mới.

Khi viết bài này, tôi cố lục lạo trong trí nhớ của mình xem Đà Lạt giống vùng đất nào nhất của châu Âu, để rồi phát hiện ra rằng thành phố này giống rất nhiều nơi ở đó. Nhưng Đà Lạt có một ưu điểm mà ở châu Âu không có: thời tiết. Mùa đông ở châu Âu tuyết phủ trắng xóa, cây cối xác xơ, lạnh tê tái cõi lòng, chỉ muốn nằm nhà chả muốn đi đâu. Mùa đẹp nhất ở châu Âu có lẽ là thu, lúc lá cây chuyển sang màu vàng, cam, đỏ rơi là đà trong gió rất thơ mộng. Những quốc gia thuộc vùng ôn đới đều như thế. Trong khi Đà Lạt vào thu cây lá vẫn xanh tươi, mùa đông thì lạnh hơn một chút và cây cối vẫn tươi xanh, hoa nở quanh năm, một không gian lý tưởng để phát triển du lịch. Và nói vui điều này, đối với du khách Việt Nam nếu chưa có điều kiện đi du lịch châu Âu thì chỉ cần làm một chuyến đến Đà Lạt là coi như đã đặt chân đến… Âu châu! Mơ mộng như vậy xem ra cũng chẳng có gì quá đáng, trừ phi…

Để kết thúc bài viết này, tôi xin mượn bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt có nhan đề Bất chợt đăng trên tạp chí Áo Trắng năm 2007 để nói thay nỗi lòng của mình:

Gặp một người xa lạ
Chợt nhớ một người quen
Gặp lại một người quen
Bỗng thấy mình xa lạ

Nếu một ngày nào đó Đà Lạt “biến dạng”, trở thành một phố thị chẳng còn nhận ra hình hài gì nữa thì chắc sẽ có vô số người sầu, trong đó có tôi.

Đoàn Xuân Hải

Nguồn : thanhnien.com.vn
Xem các tin khác
 
Follow our broadcasts on

Copyright ©  2008. All rights reserved The Institute of Asian Studies.