Trang chủ

Sơ đồ trang

Liên hệ
 
English Việt nam
   
 
 
 
 
 
 Ngành Công Thương Năm 2012: Giải Pháp Mạnh Song Hành Chất Lượng Tăng Trưởng

Ngành Công Thương năm 2012: Giải pháp mạnh song hành chất lượng tăng trưởng

Bốn mảng hoạt động lớn của ngành Công Thương trong năm 2012 được xác định là: Sản xuất công nghiệp, thương mại, thị trường trong nước và hội nhập quốc tế. Theo đó, có nhiều giải pháp gắn kết cụ thể đi kèm chỉ tiêu, nhằm góp phần quan trọng đạt tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%, đồng thời với mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế.

Nhiệm vụ năm 2012 của ngành Công Thương được đặt ra là chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tham gia tạo lập môi trường cạnh tranh, bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp và thương mại; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại, tập trung vào phát triển hệ thống sản xuất và phân phối…

“ĐỔI HƯỚNG” SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

Giá trị sản xuất công nghiệp dự kiến tăng 13%, giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp tăng khoảng 7,5% so với năm 2011.

Giải bài toán phát triển sản xuất, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trong năm 2012, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, giảm nhập siêu, tăng sử dụng máy móc, hàng hóa nội địa. Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo tăng cường hoạt động quản lý thị trường để bảo vệ sản xuất hàng hóa trong nước. Đối với nguồn năng lượng cho sản xuất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cam kết sẽ cung ứng đủ điện và không để xảy ra cắt điện, thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng.

Giải pháp hàng đầu là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các doanh nghiệp cần khai thác tối đa năng lực sản xuất để đáp ứng các sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế như: Điện, than, xăng dầu, phân bón, sắt thép xây dựng...; các sản phẩm tiêu dùng và xuất khẩu như: Dầu thô, may mặc, giày dép, sữa, dầu thực vật, cơ khí, dây và cáp điện, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ... Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Đây là lĩnh vực đóng góp tích cực vào GDP và xuất khẩu. Nhóm hàng này tuy có lợi thế và năng lực cạnh tranh dài hạn, nhưng hiện giá trị gia tăng còn thấp. Do vậy thời gian tới cần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng để tăng giá trị kim ngạch; chuyển dịch mạnh vào chế biến sâu, phát triển xuất khẩu sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm sinh thái có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh và thương hiệu mạnh. Để gia tăng hiệu quả phát triển công nghiệp, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, công nghiệp cơ khí trọng điểm, tăng cường áp dụng công nghệ tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu và năng lượng…

Về năng lượng, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp liên quan tích cực thực hiện các giải pháp đảm bảo sản xuất và cung ứng điện cho sản xuất và tiêu thụ, cung ứng nhiên liệu (khí, than) cho sản xuất điện, đảm bảo tiến độ các dự án nguồn và lưới điện theo Tổng sơ đồ điện 7, đồng thời đẩy mạnh chương trình tiết kiệm điện.

XUẤT KHẨU- TĂNG GIÁ TRỊ

Để thúc đẩy xuất khẩu, giải pháp chủ chốt là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường mở ra từ các FTA, đồng thời rà soát cơ cấu mặt hàng, thị trường để phát triển các mặt hàng mới và thị trường mới có tiềm năng.

Thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2012 là 13%, đạt kim ngạch 108,8 tỷ USD, Bộ Công Thương chỉ đạo tập trung vào 3 nhóm hàng chủ lực. Nhóm hàng nông, thủy sản dự kiến đạt kim ngạch 20,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2011 và chiếm tỷ trọng 18,6%. Trong đó, gạo xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn, đạt 3,5 tỷ USD; cà phê xuất khẩu 1,2 triệu tấn, đạt 2,6 tỷ USD; nhân điều xuất khẩu 180 nghìn tấn, đạt 1,45 tỷ USD; thủy sản xuất khẩu tăng khoảng 9,7%, đạt 6,7 tỷ USD... Nhóm hàng khoáng sản có lợi thế về tài nguyên nhưng giới hạn nguồn cung, do vậy, mục tiêu giảm khối lượng xuất khẩu khoáng sản thô, chuyển dần sang xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng các cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản. Kim ngạch có thể đạt 12 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2011 và chiếm tỷ trọng 11,1% (giảm 1,8%). Trong đó, dầu thô dự kiến xuất khẩu khoảng 9,4 triệu tấn, đạt 8,4 tỷ USD; than đá năm 2012 sẽ giảm xuất khẩu xuống 13,5 triệu tấn, đạt 1,3 tỷ USD. Nhóm hàng công nghiệp chế biến phấn đấu đạt 67,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2011 và chiếm tỷ trọng 62,2%. Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may đạt khoảng 16,5 tỷ USD; giày dép: 7,3 tỷ USD, tăng 11,9%; sản phẩm gỗ: 4,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2011; điện tử và linh kiện máy tính: 5 tỷ USD, tăng 19,1%; điện thoại di động: 12 tỷ USD, tăng 60%... Ngoài ra, một số mặt hàng như: Túi xách, vali, ô dù, sản phẩm chất dẻo, máy móc, thiết bị, sắt thép, phương tiện vận tải dự kiến tăng khá trong năm 2012.

Bên cạnh thúc đẩy xuất khẩu, việc nhập khẩu tích cực cũng sẽ được quan tâm, ngay cả nhóm thiết yếu cho sản xuất. Dự kiến, nhập khẩu năm 2012 khoảng 121,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2011. Phấn đấu giảm tỷ lệ nhập siêu. Giải pháp giảm nhập siêu tập trung vào đẩy mạnh chính sách khuyến khích sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu; phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ, sản xuất nguyên, nhiên, vật liệu, xây dựng hàng rào kỹ thuật, áp dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá và chống trợ giá để bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với cam kết quốc tế.

GIỮ VỮNG CÂN ĐỐI TRONG NƯỚC

Hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu rất cần vai trò cân đối cung - cầu thị trường trong nước, nhất là những mặt hàng trọng yếu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của nhân dân. Theo kế hoạch, tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội năm 2012 sẽ tăng khoảng 22% so với năm 2011, ước đạt khoảng 2.445 nghìn tỷ đồng. Mục tiêu quan trọng là cơ bản hoàn thành quy hoạch phát triển hệ thống phân phối theo hình thức hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi), trước hết tại các thành phố và các đô thị lớn.

Với định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, yêu cầu đặt ra đối với công tác thị trường trong nước là theo dõi sát diễn biến cung - cầu hàng hóa, giá cả; chủ động và linh hoạt các biện pháp điều tiết cung - cầu và bình ổn thị trường, nhằm bảo đảm sản xuất, đáp ứng nhu cầu của xã hội,

không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế lạm phát. Việc cân đối tốt cung - cầu sẽ tạo ra kênh tiêu thụ hiệu quả cho sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp. Trong định hướng này, chủ lực là các chương trình xúc tiến thương mại nội địa, tích cực tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt nam”.

TỐI ƯU HÓA LỢI ÍCH HỘI NHẬP

Thời gian qua, với vai trò là cơ quan đầu mối về hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Công Thương đã đóng vai trò tích cực trong đàm phán và thực thi các cam kết. Hiện tại, Việt Nam tham gia rất nhiều thỏa thuận thương mại quốc tế, từ song phương tới khu vực. Thời gian tới, nước ta tiếp tục thực hiện chủ trương hội nhập một cách toàn diện, tạo vị thế và vai trò tích cực trong khuôn khổ hợp tác kinh tế thương mại quốc tế như: WTO, ASEAN, APEC, ASEM.

Bộ Công Thương sẽ sớm hoàn thành xây dựng Chiến lược đàm phán, làm cơ sở cho việc xây dựng các kế hoạch đàm phán với các đối tác trong những năm tới; tăng cường năng lực, thực hiện vai trò đầu mối giải quyết tranh chấp của Việt Nam trong WTO; chuẩn bị tài liệu rà soát chính sách thương mại Việt Nam tại WTO. Một nội dung rất quan trọng là nâng cao vai trò điều phối hiệu quả của các bộ, ngành phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội trong nước.

* * *

Năm 2012 là năm đánh dấu 2 mốc son quan trọng đối với ngành Công Thương: Kết thúc giai đoạn 5 năm gia nhập WTO, 5 năm thành lập Bộ Công Thương. Nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế mà lĩnh vực Công Thương có vai trò quan trọng, các chỉ tiêu về công nghiệp và thương mại đặt ra những áp lực và thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để ngành Công Thương thể hiện và khẳng định vai trò năng động trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Doanh Chính

Công Thương

Xem các tin khác
 
Follow our broadcasts on

Copyright ©  2008. All rights reserved The Institute of Asian Studies.